Trang chủ Tin Tức Tổng Hợp Thế nào là bán hàng đa cấp? Pháp luật quy định về bán hàng đa cấp như thế nào?

Thế nào là bán hàng đa cấp? Pháp luật quy định về bán hàng đa cấp như thế nào?

Đăng bởi Doanh Nghiệp Trẻ

Phần 1: KHÁI QUÁT VỀ BÁN HÀNG ĐA CẤP
1.1.Lịch Sử:

Nguồn gốc của phương thức bán hàng đa cấp hay còn gọi kinh doanh theo mạng lưới (multi-level marketing) gắn liền với tên tuổi của Nhà Nghiên cứu Dinh dưỡng người Mỹ – Carl Rehnborg. Ông được xem là cha đẻ của một ngành kinh doanh có triển vọng nhất trong thế kỷ 21 bởi đã phát minh và nhân rộng ý tưởng tiếp thị mạng lưới vào trong cuộc sống.

Vào đầu thập niên 1970, việc bán hàng đa cấp lại chịu sức ép từ nhiều phía khác nhau. Năm 1975, trong hội đồng liên bang Hoa Kỳ có những người phản đối kinh doanh đa cấp và quy kết nó với cái gọi là “hình tháp ảo” – một hình thức kinh doanh bất hợp pháp. Đây là đòn đánh đầu tiên của chính phủ vào kinh doanh đa cấp. Công ty Amway đứng mũi chịu sào trong bốn năm liền phải theo hầu tòa (từ năm 1975-1979). Sau cùng, cuối năm 1979 toà án thương mại Liên Bang Hoa Kỳ công nhận phương pháp kinh doanh của Amway không phải là “hình tháp ảo” và được chấp nhận về mặt luật pháp. Từ đó Bộ luật đầu tiên về kinh doanh đa cấp đã ra đời tại Mỹ và ngành này chính thức được công nhận. Từ năm 1940 đến 1979 chỉ có khoảng 30 công ty kinh doanh theo mạng ra đời tại Mỹ, đây là giai đoạn được gọi tên là làn sóng thứ nhất…

Từ 1979-1990 (làn sóng thứ hai) là thời kì bùng nổ của kinh doanh theo mạng.Từ năm 1990, nhờ sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ và truyền thông, kinh doanh theo mạng mang màu sắc mới, các nhà phân phối có thể đơn giản hoá công việc của mình nhờ vào điện thoại, internet… Ở giai đoạn này – mà theo các chuyên gia gọi là làn sóng thứ ba – nhà phân phối giỏi không cần phải là một nhà hùng biện và đi lại như con thoi giữa các mạng lưới. Bất kỳ ai cũng có thể sử dụng thời gian nhàn rỗi của mình để tham gia công việc và làm việc ở bất cứ đâu. [1]

1.2.Khái niệm về bán hàng đa cấp

Bán hàng đa cấp là một hình thức bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng thông qua mạng lưới các nhà phân phối gồm nhiều tầng, nhiều nhánh. Các nhà phân phối này được trả hoa hồng/thu nhập từ kết quả bán hàng của bản thân họ và kết quả bán hàng của những người do họ bảo trợ.

Bán hàng đa cấp “biến tướng”: bên cạnh những đặc điểm của bán hàng đa cấp nói chung, bán hàng đa cấp bất chính còn có them những đặc điểm hàm chứa yếu tố “ bất chính ”. Đó là việc các doanh nghiệp thực hiện các hành vi trái pháp luật nhằm thu lợi bất chính từ việc tuyển người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp.[1]

Pháp luật không ngăn cấm mà luôn tạo ra một hành lang pháp lý để kiểm soát hoạt động bán hàng đa cấp. Còn đối với hành vi bán hàng đa cấp bất chính, đây là hành vi luôn gây ra những tác động xấu và tiêu cực, do đó cần phải ngăn cấm triệt để mà không có miễn trừ.

1.3.Đặc điểm của hợp đồng tham gia đa cấp

Theo khoản 4 Điều 3 Nghị định 42/2014/NĐ-CP về quản lý bán hàng đa cấp quy định:

“Hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp là thỏa thuận xác lập mối quan hệ giữa người muốn tham gia bán hàng đa cấp và doanh nghiệp bán hàng đa cấp trong hoạt động bán hàng đa cấp”.[2]

o Về chủ thể của hợp đồng bao gồm doanh nghiệp và người muốn tham gia bán hàng đa cấp. Trong hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, có một bên là doanh nghiệp được gọi là thương nhân tham gia vào hợp đồng. Đây là một đặc điểm của hợp đồng thương mại nói chung.

o + Mục đích của chủ thể tham gia ký kết hợp đồng: mục đích tìm kiếm lợi nhuân.

o + Đối tượng của hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp là lợi ích các bên hướng tới kí kết hợp đồng. Dưới góc độ lợi ích của doanh nghiệp bán hàng đa cấp, đối tượng của hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp là hàng hóa, và mục đích chính của doanh nghiệp là bán được hàng cho người tham gia bán hàng đa cấp. Đối với người tham gia bán hàng đa cấp, thì lợi ích ở đây ngoài là hàng hóa mua được thì đó là tiền hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích kinh tế từ việc tiếp thị bán hàng của mình.

1.4.Vai trò của kinh doanh đa cấp

Bán hàng đa cấp có thể đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng như: mua được hàng trực tiếp từ nhà sản xuất nên tránh được hàng giả, hàng kém chất lượng.[2]

Đối với doanh nghiệp, bán hàng đa cấp tiết kiệm được chi phí quảng cáo, cắt giảm được hàng loạt các chi phí khác như chi phí thuê mặt bằng trưng bày, chi phí vận chuyển, mặt khác do mạng lưới phân phối được tổ chức để đưa hàng hóa trực tiếp đến người tiêu dùng nên có nhiều thuận lợi trong việc quảng bá hàng hóa một cách trực tiếp và hữu hiệu.

Phần 2: MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ BÁN HÀNG ĐA CẤP Ở VIỆT NAM

2.1. Kinh doanh đa cấp biến tướng ở Việt Nam

Do đặc thù của bán hàng đa cấp là tính truyền tiêu dưới hình thức rỉ tai, cho nên tính xã hội trong việc xây dựng mạng lưới cũng như tiêu thụ sản phẩm rất lớn. Hiện nay trên thị trường Việt Nam, lợi dụng sự thiếu hiểu biết và tuyên truyền thông tin sai lệch, đã có rất nhiều công ty tạo ra sự gian dối để lôi kéo người tham gia và lôi kéo người tiêu thụ, hậu quả gây ra cho xã hội không ai có thể lường trước được.[3]

Hoạt động kinh doanh được xem là bất hợp pháp: Điều này thể hiện ở việc công ty được thành lập nhưng không có tư cách pháp nhân, hoặc đăng ký kinh doanh một đằng thực hiện tổ chức kinh doanh một nẻo. Những năm qua ở Việt Nam cũng đã ghi nhận được rất nhiều vụ việc liên quan đến kinh doanh đa cấp bất chính: Năm 2007, cục đã xử lý 2 vụ vi phạm, năm 2008 có 9 vụ, năm 2009 có 4 vụ… Các vụ vi phạm ngày càng nhiều và được nhà nước xử lý theo vi phạm của pháp luật. Các vi phạm là do các lỗi chủ yếu:

· Không có sản phẩm thực, không tổ chức bán hàng thực, chỉ mời người vào mạng lưới và sử dụng tiền nộp tham gia của người này chuyển sang hoa hồng của người khác nhằm tạo ra thu nhập ảo để lôi kéo người tham gia.

· Hoạt động có tính chất lôi kéo, ép buộc mọi người tham gia: Đưa ra những thông tin hấp dẫn về mức thu nhập, nhưng thực chất là thông tin sai lệch sự thật

· Phí tham gia chính là tiền mua sản phẩm hoặc phí tham gia cao dùng để phân chia hoa hồng

· Sản phẩm có thể không có thực, có thể có thực nhưng chất lượng bình thường hoặc kém chất lượng, được nâng giá cao gấp nhiều lần để chi trả hoa hồng, sản phẩm được bán ra theo kiểu ép buộc.

2.2. Một số quy định của pháp luật về bán hàng đa cấp ở Việt Nam

Mô hình Bán hàng đa cấp được công nhận là mô hình kinh doanh hợp pháp tại Việt Nam, chịu sự quản lý của Pháp luật Việt Nam sau khi Luật cạnh tranh ra đời vào cuối năm 2004 và Nghị định 110/2004/NĐ-CP của chính phủ. Trước sự phát triển của kinh doanh đa cấp, Chính phủ đã ban hành Nghị định 42 thay thế Nghị định 110. Vừa qua, trước sự phát triển ngày càng đa dạng của ngành hàng này, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chính phủ đã ban hành Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp để thay thế cho Nghị định 42. Dưới đây là một số điểm nổi bật của nghị định.

Chương I, điều 3 của nghị định mới đưa ra những Quy định chung:

Kinh doanh theo phương thức đa cấp là hoạt động kinh doanh sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và của những người khác trong mạng lưới.

Doanh nghiệp bán hàng đa cấp là doanh nghiệp tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp để bán hàng hóa.Người tham gia bán hàng đa cấp là cá nhân giao kết hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp với doanh nghiệp bán hàng đa cấp. Hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp là thỏa thuận bằng văn bản về việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp giữa cá nhân và doanh nghiệp bán hàng đa cấp. Quy tắc hoạt động là bộ quy tắc của doanh nghiệp bán hàng đa cấp điều chỉnh hành vi của người tham gia bán hàng đa cấp, quy trình và thủ tục thực hiện các hoạt động bán hàng đa cấp.Kế hoạch trả thưởng là kế hoạch được doanh nghiệp bán hàng đa cấp sử dụng để tính hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác mà người tham gia bán hàng đa cấp được hưởng từ kết quả của hoạt động bán hàng của mình và của những người khác trong mạng lưới. Vị trí kinh doanh đa cấp, mã số kinh doanh đa cấp là vị trí, mã số của người tham gia bán hàng đa cấp được sắp xếp trong mạng lưới để tính hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác chi trả cho người tham gia bán hàng đa cấp.[4]

Một trong những điểm nổi bật của Nghị định mới chính là những hành vi bị cấm trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Những quy định ở Điều 5, Chương I đã được đưa ra chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và các doanh nghiệp đa cấp chân chính, cụ thể như sau:

1. Cấm doanh nghiệp bán hàng đa cấp thực hiện những hành vi sau đây:

a) Yêu cầu người khác phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp;

b) Yêu cầu người khác phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp;

c) Cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc giới thiệu người khác tham gia vào hoạt động bán hàng đa cấp mà không phải từ việc mua, bán hàng hóa của người được giới thiệu đó;

d) Từ chối chi trả không có lý do chính đáng các khoản hoa hồng, tiền thưởng hay lợi ích kinh tế khác mà người tham gia bán hàng đa cấp có quyền hưởng;

đ) Cung cấp thông tin gian dối về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;

e) Cung cấp thông tin gian dối, gây nhầm lẫn về tính năng, công dụng của hàng hóa hoặc hoạt động của doanh nghiệp thông qua báo cáo viên, đào tạo viên tại hội nghị, hội thảo, đào tạo hoặc thông qua tài liệu của doanh nghiệp;

g) Duy trì nhiều hơn một hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, vị trí kinh doanh đa cấp, mã số kinh doanh đa cấp hoặc các hình thức khác tương đương đối với cùng một người tham gia bán hàng đa cấp;

h) Thực hiện khuyến mại sử dụng mạng lưới gồm nhiều cấp, nhiều nhánh mà trong đó người tham gia chương trình khuyến mại có nhiều hơn một vị trí, mã số hoặc các hình thức tương đương khác;

i) Tổ chức các hoạt động trung gian thương mại theo quy định của pháp luật thương mại nhằm phục vụ cho việc duy trì, mở rộng và phát triển mạng lưới bán hàng đa cấp;

k) Tiếp nhận hoặc chấp nhận đơn hoặc bất kỳ hình thức văn bản nào khác của người tham gia bán hàng đa cấp, trong đó, người tham gia bán hàng đa cấp tuyên bố từ bỏ một phần hoặc toàn bộ các quyền của mình theo quy định của Nghị định này hoặc cho phép doanh nghiệp không phải thực hiện nghĩa vụ đối với người tham gia bán hàng đa cấp theo quy định của Nghị định này;

l) Kinh doanh theo phương thức đa cấp đối với đối tượng không được phép theo quy định tại Điều 4 Nghị định này;

m) Không sử dụng hệ thống quản lý người tham gia bán hàng đa cấp đã đăng ký với cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp để quản lý người tham gia bán hàng đa cấp;

n) Mua bán hoặc chuyển giao mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp cho doanh nghiệp khác, trừ trường hợp mua lại, hợp nhất hoặc sáp nhập doanh nghiệp.

2. Cấm người tham gia bán hàng đa cấp thực hiện những hành vi sau đây:

a) Hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

b) Cung cấp thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn về lợi ích của việc tham gia bán hàng đa cấp, tính năng, công dụng của hàng hóa, hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp;

c) Tổ chức hội thảo, hội nghị, đào tạo về kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được doanh nghiệp bán hàng đa cấp ủy quyền bằng văn bản;

d) Lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc người tham gia bán hàng đa cấp của doanh nghiệp khác tham gia vào mạng lưới của doanh nghiệp mà mình đang tham gia;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, địa vị xã hội, nghề nghiệp để khuyến khích, yêu cầu, lôi kéo, dụ dỗ người khác tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp hoặc mua hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp;

e) Thực hiện hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương nơi doanh nghiệp chưa được cấp xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương.

3. Cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh theo phương thức đa cấp,tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo, giới thiệu về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp của mình hoặc của tổ chức, cá nhân khác khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

4. Cấm cá nhân tham gia vào hoạt động của tổ chức, cá nhân kinh doanh theo phương thức đa cấp chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.[5]

Trong Điều 8, Chương II: Quy định về Đăng Kí kinh doanh đa cấp, bên cạnh những nội dung trước đó, Giấy chừng nhận đăng ký Hoạt động Bán hàng Đa cấp phải cung cấp phạm vi hàng hóa được phép kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Tại Chương IV về Quản lý Người tham gia Bán hàng Đa cấp, ở Điều 32 về Đào tạo cơ bản cho người tham gia Bán hàng đa cấp Nghị định bổ sung thêm quy định.

5. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm đánh giá mức độ hoàn thành chương trình đào tạo cơ bản của người tham gia bán hàng đa cấp và xác nhận bằng văn bản về việc hoàn thành nội dung và thời lượng chương trình đào tạo cơ bản của người tham gia bán hàng đa cấp.

6. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm lưu trữ các tài liệu liên quan đến hoạt động đào tạo cơ bản cho người tham gia bán hàng đa cấp, bao gồm thời gian, cách thức, địa điểm (nếu có) và kết quả đào tạo.

Cũng tại Chương IV về Quản lý Người tham gia Bán hàng Đa cấp, Điều 33 về Thẻ thành viên, Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm công bố công khai việc chấm dứt hiệu lực của Thẻ thành viên trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp.

Chương IV, Điều 34 về Đào tạo thành viên, Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm lập danh sách Đào tạo viên, lưu trữ hồ sơ kèm theo, công bố danh sách Đào tạo viên trên trang thông tin điện tử và thông báo tới Bộ Công Thương.

Chương IV, Điều 38 về Xác nhận kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp, Bộ Công Thương cấp xác nhận kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp cho những người đạt kết quả trong kỳ kiểm tra kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp.Tại Chương V về Hoạt động Bán hàng Đa cấp, Điều 40 về Trách nhiệm của Doanh nghiệp Bán hàng Đa cấp Khấu trừ tiền thuế thu nhập cá nhân của người tham gia bán hàng đa cấp để nộp vào ngân sách Nhà nước trước khi chi trả hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích kinh tế khác cho người tham gia bán hàng đa cấp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.[4]

2.3.Những thiếu sót về luật của kinh doanh hàng đa cấp

Cần phải khẳng định, luật về kinh doanh đa cấp không thiếu nhưng người thực hành và áp dụng pháp luật hiện đang lại không hiểu, không làm đúng, thiếu sự nhạy cảm, tận tâm. Nhìn lại vụ Liên Kết Việt vừa qua, nhiều hành vi hoạt động của công ty này vi phạm quy định tại Nghị định số 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp và Luật Cạnh tranh.

Đơn cử, một người có thể sở hữu nhiều vị trí kinh doanh đa cấp. Điều này cũng có nghĩa sản phẩm không ra khỏi hệ thống, một người gom nhiều hàng để trông chờ hoa hồng thu lợi cao, tạo nên con số ảo… Luật quy định không được trích thưởng quá 40% nhưng thực tế con số này đã được đẩy lên cao hơn rất nhiều đối với các thành viên tham gia Liên Kết Việt.

Đặc biệt, khi một công ty được cấp kinh doanh đa cấp tại Việt Nam thì dường như đang mặc nhiên tự cho mình quyền tự do tổ chức hội thảo/đào tạo bán hàng. Trong khi đó, Luật quy định rõ công ty kinh doanh đa cấp phải có nghĩa vụ thông báo đến sở công thương nơi tổ chức hội nghị, hội thảo đào tạo. Luật quy định nhưng lại không ai giám sát, cơ quan quản lý chỉ quản lý trên diện hồ sơ giấy trắng mực đen.

Đây chính là lỗ hổng lớn khiến nhiều vi phạm kinh doanh đa cấp phát sinh từ mắt xích này.Đáng nói, những công ty được cấp phép kinh doanh đa cấp, trách nhiệm chính thuộc Cục Quản lý cạnh tranh, nhưng loại hình đa cấp biến tướng khác thì lại chưa có đầu mối quản lý, chưa có luật điều chỉnh cho những hành vi này.

Phần 3: MỘT SỐ NHẬN XÉT ĐỀ XUẤT

Mặc dù vậy, các chủ thể kinh doanh đa cấp bất chính đã có xu hướng chuyển sang các mô hình hoạt động sử dụng phương thức đa cấp nhưng không mua bán hàng hóa thực sự để né tránh sự quản lý của cơ quan quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Các hình thức lừa đảo và biến tướng trong hoạt động bán hàng đa cấp vẫn tiếp tục diễn ra phức tạp với nhiều hình thức tinh vi hơn.

Để người dân không bị mắc lừa kinh doanh đa cấp, Sở Công Thương Hà Nội đã có những khuyến cáo cũng như tuyên truyền trên website của Sở về hoạt động bán hàng đa cấp.

Đồng thời, đưa thông tin về kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động bán hàng đa cấp; danh sách các doanh nghiệp đã thông báo hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn; danh sách các doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép bán hàng đa cấp hay thông báo chấm dứt hoạt động.

Ngoài ra, nhằm siết chặt quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, các cấp, các ngành tiếp tục tăng cường công tác thông tin tuyên truyền các quy định của pháp luật về bán hàng đa cấp, hoạt động bán hàng đa cấp bất chính cho người dân, người tham gia bán hàng đa cấp. Cùng đó, ưu tiên tuyên truyền trên đài truyền hình và các phương tiện thông tin đại chúng nâng cao hiệu quả tuyên truyền.

Bên cạnh đó, Bộ Công an xử lý nghiêm và tăng cường công khai các hành vi lừa đảo trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, việc lợi dụng kinh doanh theo phương thức đa cấp để huy động tài chính nhằm mục đích lừa đảo dưới nhiều hình thức.

Nắm tình hình, thu thập thông tin về phương thức, thủ đoạn, cách thức lôi kéo, dụ dỗ người dân tham gia hoat động kinh doanh theo phương thức đa cấp bất chính để thông tin, tuyên truyền đến người dân.

§ Xử lý các hành vi bán hàng đa cấp:

Theo quy định tại Điều 38 Nghị định 120/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh, tùy từng trường hợp cụ thể mà hành vi bán hàng đa bất chính có thể bị:

“1. Phạt tiền doanh nghiệp bán hàng đa cấp từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Yêu cầu người muốn tham gia phải đặt cọc để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;

b) Yêu cầu người muốn tham gia phải mua một số lượng hàng hóa ban đầu để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;

c) Yêu cầu người muốn tham gia phải trả một khoản tiền hoặc trả bất kì một khoản phí nào dưới hình thức khóa học, khóa đào tạo, hội thảo, hoạt động xã hội hay các hoạt động tương tác khác để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp trừ tiền mua tài liệu quy định tại khoản 2 Điều 6 của Nghị định số 110/2005/NĐ-CP ngày 24/8/2005 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp;

d) Cản trở người tham gia trả lại hàng hóa phát sinh từ việc chấm dứt hượp đồng tham gia bán hàng đa cấp;

e) Cho người tham gia nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác chủ yếu từ việc dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;

f) Cung cấp thông tin gian dối về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;

g) Cung cấp thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hóa để dụ dỗ người tham gia bán hàng đa cấp.

2.Phạt tiền doanh nghiệp bán hàng đa cấp từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này thuộc trường hợp quy mô bán hàng đa cấp diễn ra trong phạm vi từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.

3.Ngoài ra bị phạt tiền theo quy định tại khoản 1 Điều này, doanh nghiệp bán hàng đa cấp bất chính còn có thể bị áp dụng một hoặc một số hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 30 của Nghị định này.”

Khoản 3 Điều 30 Nghị định này cũng đã quy định một số hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như sau: “ a) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm bao gồm cả tịch thu toàn bộ khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm; b) Buộc cải chính công khai”

§ KẾT LUẬN: Bản chất của bán hàng đa cấp không xấu. Tuy nhiên do một số thành phần đã lợi dụng biến bán hàng đa cấp thành một kiểu kinh doanh bất chính. Qua đó nhà nước nên ban hành, hoàn thiện, điều chỉnh, xử lý những vi phạm về kinh doanh bán hàng đa cấp. Để mọi người nhìn nhận đúng cách hơn về mô hình kinh doanh này, giúp cho việc kinh doanh phát triển góp phần đưa đất nước hội nhập với thế giới.

Xem Tin Khác