Theo tổ chức Lương nông Quốc tế (FAO), sản lượng xoài năm 2018 đạt 52,084 triệu tấn, trong đó đứng đầu là Ấn Độ 20,041 triệu tấn, kế đến là Trung Quốc 5,028 triệu tấn, Thái Lan 4,068 triệu tấn, Indonesia 2,786 triệu tấn, Mexico 1,905 triệu tấn và Pakistan 1,71 triệu tấn.
Theo ước tính bước đầu của Cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật năm 2019,Việt Nam diện tích xoài đạt 104.129 ha, tăng 10.837 ha, sản lượng 814.836 tấn. Trong đó Đồng bằng sông Cửu Long diện tích 46.401 ha, tăng 4.260 ha, sản lượng 515.355 tấn. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng Tháp có diện tích xoài đứng đầu đạt 11.339 ha (24%), kế đến là An Giang 11.178 ha (24%), Vĩnh Long 5.006 ha (11%), Tiền Giang 3.934 ha (9%), Hậu Giang 3.591 ha (8%), TP. Cần Thơ 2.873 ha (6%), Sóc Trăng 2.093 ha (5%), Kiên Giang 1.977 ha (4%)…
Phát triển nhanh diện tích sản lượng xoài đi đôi với xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm xuất khẩu. Từ xuất khẩu được 46 triệu USD năm 2015, lên 68 triệu USD năm 2016, 156 triệu USD năm 2017, 193 triệu USD năm 2018 và 259 triệu USD năm 2019. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2020, dù bị phong tỏa kinh tế bởi dịch COVID-19, xuất khẩu xoài vẫn đạt 166 triệu USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó xuất khẩu xoài tươi được 116 triệu USD (71%), xoài đông lạnh 22 triệu USD (13%), mứt xoài 16 triệu USD (10%), xoài sấy 10 triệu USD (6%).
Trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, Đồng Tháp đã triển khai các biện pháp sau để cải thiện chuỗi giá trị ngành hàng xoài.
1. Phát triển diện tích xoài rải vụ, sản xuất an toàn
Trong 10 năm theo dõi sản lượng và biến động giá cho thấy mùa xoài tập trung từ tháng 8 đến tháng 12 dương lịch, với đỉnh cao là tháng 9. Trong khi tháng 4 đến tháng 7 dứt mùa xoài, do đó tháng 7/2019 xuất khẩu được 4.09 triệu USD xoài, nhưng chủ yếu là xoài đông lạnh (2,95 triệu USD, 72%), trong khi xoài trái tươi chỉ có 252.000 USD (6%) do hết mùa xoài.
Biến động giá xoài không đi theo sản lượng, giá xoài bắt đầu tăng từ tháng 10 và đạt đỉnh cao vào tháng 1 lúc cận tết, sau đó hạ dần đến tháng 6 có giá thấp nhất, cũng trùng với thời điểm sản lượng xoài ở mức thấp do hết mùa. Biến động giá xoài không đi ngược với biến động sản lượng qua các tháng mà dưa vào sức mua của thương lái, đặc biệt của thị trường Trung Quốc.
Việc trồng xoài rải vụ đã khắc phục được tình trạng rớt giá do sản lượng tập trung vào một thời điểm, giúp nhà vườn thu nhập cao hơn. Năm 2017 xây dựng được 6 điểm thực hành sản xuất xoài rải vụ theo hướng an toàn ở huyện Cao Lãnh và thành phố Cao Lãnh với hơn 416 ha, năm 2018 có trên 6.300 ha áp dụng rải vụ.
Rải vụ xoài kết hợp với quy trình sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm, sản xuất GAP được chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP) để ổn định giá bán và nâng cao chất lượng sản phẩm.
2. Tổ chức sản xuất, liên kết tiêu thụ
Để sản xuất xoài theo chuỗi giá trị, tỉnh đã thành lập được 4 hợp tác xã, 37 tổ hợp tác sản xuất xoài liên kết cung cấp cho: Công ty Long Uyên, Công ty Injae Corporation – Hàn Quốc, Công ty TNHH Chế biến nông sản Thuận Phong, Công ty TNHH Cuộc sống tốt lành – good life, Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Việt Đức. Ngoài chợ đầu mối trái cây ở Mỹ Hiệp còn có 75 điểm thu mua nông sản vừa tiêu thụ trong nước và xuất qua Trung Quốc.
Năm 2017 liên kết tiêu thụ đạt 3.741 tấn (Công ty Long Uyên, Việt Đức, Đại Thuận Thiên, Nông sản Cao Lãnh, Tập đoàn VinGroup …). Năm 2019 tiêu thụ được 6.400 tấn. Sáu tháng đầu năm 2019 tiêu thụ được 35.520 tấn, xuất khẩu: 498 tấn, sang Trung quốc 200 tấn; Nga 50 tấn, Trung Đông 40 tấn, Hàn Quốc 50 tấn, Hoa Kỳ 158 tấn, giá bán tại vườn bình quân 20.000đ/kg.
Ngoài xoài trái tươi loại 1 xuất sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Trung Quốc, New Zealand…. một số công ty còn thu mua xoài loại 2 chế biến dạng gọt đông lạnh (Công ty Long Uyên) và loại 3 để sấy dẻo (Công ty Việt Đức). Như vậy nếu sắp xếp liên kết tốt, nhà vườn đều bán được tất cả các loại xoài trong vườn cho các công ty thu mua.
Trong số 92 Hội quán được thành lập ở Đồng Tháp, có 21 Hội quán xoài: 9 ở TP. Cao Lãnh (Thuận Tân, Đông Tân, Duy Tân, Đồng Tâm, Tâm Quê, Nhất Tâm, Tân An, Thịnh Hưng và Tân Tâm), 01 ở Thành phố Sa Đéc (Đông Giang), 6 ở huyện Cao Lãnh (Minh Tâm, Minh Tân, Thuận Mỹ, Thuận An, Minh Phát và Minh Long), 4 ở Thanh Bình (Nông Tân, Tân Thị. Tình Quê và Tân Dinh), 1 ở Lấp Vò (Bình An). Các Hội quán này vận động nhà vườn sản xuất xoài an toàn theo mô hình “cây xoài nhà tôi” bán trực tiếp cho người tiêu dùng ở TP. Hồ Chí Minh thông qua môi giới của các công ty du lịch.
3. Xây dựng mã vùng trồng
Để xuất khẩu xoài qua các nước khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand và Mỹ cần xây dựng mã vùng trồng để truy nguyên nguồn gốc. Diện tích xoài được cấp mả vùng trồng của Đồng Tháp được 238,89 ha cho 483 hộ tham gia.
Như vậy việc truy nguyên nguồn gốc xoài ở Đồng Tháp chỉ dừng lại ở mã vùng trồng. Mô hình vườn xoài nhà tôi ở xã Mỹ Xương xây dựng hệ thống mã vạch để truy xuất nguồn gốc, nhưng khi bên dự án rút đi thì hệ thống mã vạch không truy xuất được. Do đó để truy xuất nguồn gốc bền vững thì các tác nhân tham gia chuỗi giá trị từ nhà cung cấp vật tư đầu vào, nông dân, thương lái nhà vựa và nhà xuất khẩu phải có cùng lợi ích và chúng được phân phối đều cho các tác nhân tham gia./.
Ảnh: Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tổng cục Hải quan, Trung tâm Khuyến nông Đồng Tháp
Nguồn: Ths. Nguyễn Phước Tuyên