Home Tin Tức Tổng HợpBản Tin Pháp Luật Cãi nhau cũng là một dạng hạnh phúc

Cãi nhau cũng là một dạng hạnh phúc

by Doanh Nghiệp Trẻ

    Người ta thường nói “cãi nhau là để hiểu nhau hơn, chứ không phải là cãi nhau để giận nhau”.

    Trong cuộc sống thường ngày giữa những mối quan hệ bạn bè, tình thân sẽ có lúc sảy ra tranh cãi mâu thuẫn. Nhưng dùng lý trí mà suy xét cho cùng thì tranh cãi có thể giúp người ta hiểu nhau nhiều hơn, hiểu về cách sống, hiểu về quan điểm của nhau. Để rồi từ đó điều chỉnh và trân trọng sự khác biệt của nhau.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Còn cãi nhau, còn giận nhau là còn thương nhau. Vì vậy nếu người thân góp ý, tranh luận với bạn thì là đang muốn tốt cho bạn, không phải họ ghét bỏ gì bạn đâu. Tục ngữ có câu “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Điều ấy có thể hiểu là góp ý, tranh luận, chỉ trích để bạn tiến bộ hơn. Còn chỉ khen ngợi, nịnh bợ bạn thì đó là cho bạn một sự ảo tưởng, ảo giác về bản thân bạn mà thôi.

   Nếu bên cạnh bạn còn có những người thân yêu hay chỉ trích, tranh cãi với bạn thì đó cũng là bạn đang có một dạng hạnh phúc. Những người sáng suốt thường hay nghe những lời phản biện, chỉ trích để hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, kẻ u mê sẽ ghét những người hay chỉ trích họ, nhưng sự thực thì chính những lời chỉ trích lại là dịp tốt để nhìn lại bản thân, hoàn thiện bản thân.

    Thứ đáng sợ nhất đó là sự im lặng đến lạnh lùng. Có những kẻ luôn im lặng, chờ đợi cơ hội bạn sai sót để triệt hạ bạn. Như những con thú dữ rình mồi và bất chợt tấn công để bạn không kịp đề phòng. Nếu so sánh những người hay chỉ trích và những kẻ im lặng thì bạn nên đề phòng những kẻ im lặng hơn là đề phòng những người hay chỉ trích. Người ta thường nói “bô bô cái miệng nhưng bụng không xấu”. Cũng cần phải đề phòng cả những kẻ ngọt ngào bất chấp, bởi đó cũng là biểu hiện của những kẻ nịnh thần và thủ đoạn.

   Để nói về hạnh phúc trọn vẹn thì hạnh phúc không chỉ là sự bình yên và ngọt ngào. Mà nó phải trải qua thăng trầm, sóng gió để thử thách lòng người. Cuộc sống không chỉ có màu hồng mà còn có cả những mảng màu đen tối, trong một bức tranh toàn cảnh xã hội.

   Trong quá trình tư vấn pháp luật về Hôn nhân và Gia đình, tôi đã gặp rất nhiều trường hợp mâu thuẫn vợ chồng, tranh cãi triền miên và ngày càng trầm trọng.

   Tôi hỏi nhiều cặp đôi rằng: thời yêu nhau các bạn thể hiện thế nào???

Đa số trả lời rất hay: khi yêu nhau thì anh nói em nghe, em nói anh nghe. Nhưng đến khi cưới nhau rồi thì “cả hai cùng nói và cả xóm cùng nghe”. Họ tranh cãi nhau mà không thèm lắng nghe nhau.

Luật sư Lê Đình Lý

Luật sư Lê Đình Lý

   Vì sao vậy??? Vì khi yêu nhau là chưa ràng buộc hôn nhân. Do vậy họ còn tôn trọng nhau và sợ mất nhau nên cố gắng nhường nhịn nhau. Còn khi đã cưới nhau rồi thì có sự ràng buộc về hôn nhân pháp luật và con cái. Nên lúc này sống chung và áp đặt lên nhau. Ngoài ra về hoàn cảnh kinh tế và nuôi dạy con cái cũng là vấn đề dễ nãy sinh mâu thuẫn tranh cãi nhau.

Trong khi cuộc sống gia đình đang có sự mâu thuẫn, tranh cãi. Nếu mà ở bên ngoài gặp một người quan tâm chăm sóc thì con người ta sẽ dễ ngã vào lòng nhau lắm…hôn nhân càng dễ đổ vỡ. Vậy thì hãy dùng lý trí để kiểm soát cảm xúc nóng giận với người vợ (chồng), đồng thời hãy kiểm soát cảm xúc với người bên ngoài. Để giữ lại hạnh phúc thực sự cho mình. Đặc biệt hãy nghĩ về con cái là thành tựu hạnh phúc mà vợ chồng đã có được với nhau.

Hạnh phúc chỉ thực sự trọn vẹn ngay cả khi tranh cãi nhau, giận nhau mà vẫn nghĩ về nhau như lời bài hát “giận thì giận mà thương thì thương”.

Lưu ý: Bài viết cung cấp một góc nhìn khác về vấn đề tranh cãi nhau giữa những người thân. Đặc biệt là các cặp vợ chồng.

Cuộc đời như bản tình ca, có lúc trầm lặng sâu lắng, có lúc bay vút lên cao. Cảm ơn nghề Luật sư đã cho tôi chứng kiến nhiều câu chuyện…

# Luật sư Lê Đình Lý

Xem Tin Khác