Trang chủ Pháp Luật Về Doanh Nghiệp Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 – 2025

Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 – 2025

Đăng bởi Doanh Nghiệp Trẻ

Nhằm triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, thiết thực Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị định số 55/2019/NĐ-CP, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 81/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 – 2025 (sau đây gọi là Chương trình).

Mục tiêu chung của Chương trình là: (i) Triển khai đồng bộ, hiệu quả, công khai, minh bạch, ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đáp ứng nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp; bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực; (ii) định hướng cho các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của các bộ, ngành, địa phương; (iii) nâng cao hiểu biết, ý thức và thói quen tuân thủ pháp luật, hạn chế rủi ro, vướng mắc pháp lý trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa, thúc đẩy sự tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật kịp thời nhằm phục vụ doanh nghiệp phát triển, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.

Chương trình đặt ra ba mục tiêu cụ thể là:

1.Cung cấp thông tin pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, gồm: (i) Xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng 01 cơ sở dữ liệu về vụ việc, vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; (ii) cung cấp các chính sách, đề án, chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của các bộ, ngành, địa phương; (iii) tiếp nhận 100% phản ánh từ doanh nghiệp nhỏ và vừa để đề xuất, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết vướng mắc, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật hiệu quả.

2.Bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho: (i) Tối thiểu 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro pháp lý trong kinh doanh; (ii) tối thiểu 60% người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm nâng cao năng lực hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

3.Tổ chức các hoạt động tư vấn pháp luật, bao gồm: Tư vấn trực tiếp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; tư vấn pháp luật qua diễn đàn, đối thoại và các hoạt động tư vấn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm đảm bảo 100% đề nghị tư vấn của doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua Chương trình được giải quyết hoặc kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết..

Tập trung vào ba nhóm nội dung của Chương trình

Thứ nhất, nhóm hoạt động cung cấp thông tin pháp lý:

– Xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu pháp luật như: Các bản án, quyết định của tòa án; phán quyết, quyết định của trọng tài thương mại; quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; quyết định xử lý vi phạm hành chính liên quan đến doanh nghiệp có hiệu lực thi hành và được phép công khai hoặc kết nối với cổng thông tin điện tử công khai các văn bản này; các văn bản trả lời của bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đối với các vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quá trình áp dụng pháp luật; các văn bản tư vấn pháp luật của mạng lưới tư vấn viên pháp luật đối với các vụ việc, vướng mắc pháp lý theo yêu cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa… Ứng dụng các mạng xã hội để cung cấp thông tin pháp lý, tiếp nhận, giải quyết vướng mắc pháp lý của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

– Xây dựng các chuyên mục nâng cao kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên các phương tiện truyền thông, như: Đài truyền hình, đài phát thanh, trang thông tin điện tử, mạng xã hội và các phương tiện thông tin, truyền thông khác

– Tổ chức hội nghị, diễn đàn đối thoại với doanh nghiệp nhỏ và vừa

– Xây dựng bản tin, tài liệu điện tử hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Thứ hai, nhóm hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật:

– Bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua việc tổ chức các chương trình, hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho người quản lý, điều hành, người phụ trách công tác pháp chế và người lao động của doanh nghiệp nhỏ và vừa; xây dựng hệ thống bài giảng, tài liệu điện tử cung cấp kiến thức pháp luật đầu tư, kinh doanh, các cam kết quốc tế cần thiết cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

– Bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Thứ ba, nhóm hoạt động tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa:

– Tư vấn pháp luật qua diễn đàn, đối thoại về các chuyên đề pháp lý chuyên sâu giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hiệp hội, hội doanh nghiệp, chuyên gia, người quản lý, điều hành, người phụ trách công tác pháp chế của doanh nghiệp nhỏ và vừa…

– Tư vấn qua thư điện tử, mạng xã hội và ứng dụng thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

– Tư vấn thông qua mạng lưới tư vấn viên pháp luật, cụ thể: Trên cơ sở thông tin về mạng lưới tư vấn viên pháp luật được đăng tải trên Trang thông tin điện tử hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của Bộ Tư pháp, doanh nghiệp nhỏ và vừa lựa chọn dịch vụ tư vấn pháp luật với tư vấn viên pháp luật phù hợp thuộc mạng lưới tư vấn viên pháp luật theo quy định; doanh nghiệp nhỏ và vừa gửi hồ sơ trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc bằng phương thức điện tử đến Chương trình (Bộ Tư pháp) đề nghị hỗ trợ chi phí tư vấn pháp luật về vụ việc, vướng mắc theo quy định tại Nghị định số 55/2019/NĐ-CP.

Nguồn: NTH – Cổng thông tin điện tử VKSNDTC

Xem Tin Khác